GIÁ CAO SU THIÊN NHIÊN ĐI NGƯỢC XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG
Thị trường không phải lúc nào cũng tuân theo quy luật thông thường, và tình trạng hiện tại của ngành cao su là một ví dụ. Theo thống kê của Hiệp hội Các nước sản xuất Cao su thiên nhiên (ANRPC), nguồn cung cao su thiên nhiên đang thiếu hụt khoảng 700.000 tấn trên toàn cầu.
ANRPC dự báo thiếu hụt sẽ giảm về 466.000 tấn vào tháng 9, sau đó sẽ giảm về khoảng hơn 100.000 tấn vào tháng 12. Nếu theo xu hướng thông thường của thị trường, khi nguồn cung thắt chặt thì giá sẽ tăng, như vậy giá cao su thiên nhiên hiện tại phải tăng mới đúng quy trình chứ không phải lên xuống thất thường, mà đa phần là giảm như trong giai đoạn hiện nay.
Giá cao su Malaysia tiêu chuẩn 20 – loại dùng để sản xuất lốp xe – đã giảm 37% trong giai đoạn 31/1 – 27/7 về 152,6 cent/kg.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su kỳ hạn tháng 1 giảm 1,9 yên, tương đương 0,9%, xuống còn 214,9 yên/kg (tương đương 1,97 USD/kg), sau khi tăng 0,6 yên phiên trước đó.
Giá cao su kỳ hạn tháng 1 tại Sở Giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 35 NDT, xuống còn 16.560 NDT/tấn (tương đương 2.485 USD/tấn) trong phiên giao dịch đêm.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến sự sụt giảm giá cao su trên sàn như giá dầu giảm gần 2% trước hợp đồng hết hiệu lực vào ngày thứ hai (21/8), giảm trở lại từ mức tăng tuần trước đó, do dấu hiệu thị trường toàn cầu bắt đầu tái cân bằng từ dư cung quá mức.
+ Đồng đô la Mỹ ở mức khoảng 109,15 yên trong phiên giao dịch ngày thứ ba (22/8), sau khi giảm xuống còn 108,81 yên phiên trước đó. Một đồng yên tăng mạnh mẽ khiến tài sản mua bằng đồng yên Nhật Bản rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
+ Chỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản duy trì ổn định ngày thứ ba (22/8), sau khi chạm mức thấp mới 3 tháng rưỡi trong phiên trước đó. Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều ngày thứ hai (21/8), do căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.
Cao su thiên nhiên không phải là hàng hóa thông thường, được dự đoán là sẽ đóng vai trò quan trọng trong ít nhất 10 năm nữa nên có rất nhiều yếu tố nằm ngoài cung cầu ảnh hưởng lên giá. Một vài nguyên nhân được ANRPC đưa ra trong nửa đầu năm nay như thời tiết xấu ở Thái Lan, sự đầu cơ tại các sàn giao dịch hàng hóa ở châu Á, giá trị của đồng USD so với các loại tiền tệ của châu Á.
Một yếu tố khác nữa thậm chí còn quan trọng hơn, là các thành viên của Hội đồng quốc tế ba bên gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia đang cố gắng duy trì mức cao hơn bằng cách hạn chế xuất khẩu.
Hiện có khoảng hơn 5 triệu tá điền ở Đông Nam Á đang sống dựa vào việc cạo mủ cao su, và hơn 90% sản lượng cao su thiên nhiên được xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, khi giá cao su ở mức thấp trong thời gian dài, những tá điền này không đi cạo mủ hoặc chặt bỏ những cây năng suất thấp. Nhiều vùng trồng cao su theo đó bị bỏ hoang và người nông dân sẽ trồng loại cây khác có lợi nhuận hơn khi có thể.
Các doanh nghiệp sản xuất săm lốp là những khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp cao su. Tuy nhiên, cho đến nay không công ty săm lốp nào tỏ ra lo lắng về sự thiếu hụt nguồn cung. Công ty Continental của Đức cho biết, đến thời điểm này họ đã nhập đủ lượng cao su cần thiết. Họ cũng dự báo giá cao su thiên nhiên vẫn sẽ biến động do ảnh hưởng của các điều kiện thị trường.
Nguồn cung thấp không ảnh hưởng đến các khách hàng lớn nghĩa là nhu cầu thị trường không vì đó mà tăng lên, điều này cũng lý giải nguyên nhân giá của cao su thiên nhiên không tăng dù thống kê vẫn báo số lượng thiếu hụt lớn, người trồng cao su sẽ phải chấp nhận mức giá giảm trong thời gian tới và cần có phương hướng khai thác hợp lý để tránh bị thua lỗ nhiều hơn.
Nguồn: Sưu tầm
Các bài viết khác
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN HAI THÁNG ĐẦU NĂM 2018 (24.03.2018)
- CAO SU ẤN ĐỘ: KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC (09.02.2018)
- NGÀNH CAO SU THIÊN NHIÊN TRONG NĂM MỚI 2018 (24.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU CUỐI NĂM 2017 (02.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THÁNG 11/2017 (11.12.2017)