HY VỌNG PHỤC HỒI GIÁ CAO SU
Ngày 20/6/2017, giá cao su kỳ hạn tại thị trường Tokyo giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 tuần khiến cho thị trường lo ngại, hy vọng về sự phục hồi mạnh của giá cao su từ cuối năm 2016 dường như không còn khiến cho nhiều nhà đầu tư tin tưởng.
Chịu ảnh hưởng mạnh của giá dầu, sự phục hồi của giá cao su thiên nhiên giai đoạn cuối 2016 đầu năm 2017 là kết quả tương tác từ chương trình cắt giảm sản lượng của OPEC. Nhưng chương trình này lại không được thành công như mong đợi, dù OPEC đã gia hạn kéo dài chương trình đến tháng 3/2018, nhưng tình trạng giá dầu đua nhau xuống đáy đã mở ra một viễn cảnh không mấy tươi sáng cho cả thị trường dầu mỏ và cao su thiên nhiên.
PHẢN ỨNG CỦA THỊ TRƯỜNG
Đứng trước nguy cơ giảm giá mạnh, Thái Lan và Malaysia – những nước có sản lượng cao su đứng đầu thế giới – đã có nhiều phản ứng tích cực nhằm cứu vãn thị trường, như xây dựng nhiều chương trình hạn chế xuất khẩu, tăng nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên ở trong nước.
Bên cạnh việc gia hạn nhiều chính sách hỗ trợ như mở rộng chương trình cho vay nông nghiệp của Chính phủ đối với các HTX nông nghiệp, tăng gói vay cho các doanh nghiệp cao su, trợ cấp giúp trang trải chi phí sản xuất cao su cũng như chi phí sinh hoạt cho các hộ nông dân trồng cao su. Thái Lan đã tăng nhu cầu sử dụng cao su trong nước bằng việc công bố thương hiệu quốc gia cho lốp xe TH-Tyre, Thái Lan hy vọng thông qua việc gia tăng doanh số lốp xe sẽ kích thích nhu cầu cao su thiên nhiên, từ đó nâng giá cao su và cải thiện thu nhập của người nông dân.
Cùng với Thái Lan, Malaysia cũng có những động thái tích cực bằng việc nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng cao su trong xây dựng đường bộ để hỗ trợ cho ngành cao su tăng trưởng, Malaysia ưu tiên chọn cao su thiên nhiên làm vật liệu cải thiện chất lượng nhựa đường và nhờ đó sẽ mở rộng nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên.
Giá cao su có nhiều hy vọng phục hồi hơn khi nhu cầu tại nhiều thị trường tăng lên trong khi nguồn dự trữ giảm xuống, đặc biệt là sản lượng dự trữ tại Thượng Hải giảm đáng kể và được đánh giá là sẽ xuất hiện tình trạng thiếu hụt trong tương lai gần.
Đánh giá mức cân bằng cung – cầu thị trường, ANRPC đã hạ dự báo mức cung sản phẩm cao su thiên nhiên xuống còn 12,756 triệu tấn trong năm 2017, giảm nhẹ 15.000 tấn so với mức dự báo trước đó. Đây cũng là tín hiệu tích cực để thúc đẩy giá cao su tăng lên trong bối cảnh giá có xu thế giảm trong giai đoạn gần đây.
Bên cạnh nhiều yếu tố tích cực, giá dầu giảm mạnh và có xu hướng chạm đáy lại là cú sốc đối với thị trường cao su. Khi mà cao su tổng hợp - sản phẩm cuối cùng của dầu thô giảm giá mạnh - cao su thiên nhiên sẽ phải chật vật giảm giá theo và những động thái tích cực trước đó của các nước sản xuất cao su thiên nhiên có khả năng sẽ trở thành vô ích khi không thể tác động mạnh vào giá cả trên thị trường.
Còn quá sớm để đánh giá mức giá cao su năm 2017 sẽ tăng trưởng được đến đâu, rất nhiều yếu tố có thể suy xét và sự biến động của thị trường là điều mà không có bất kỳ ai có thể lường trước được. Nông dân trồng cao su và doanh nghiệp sản xuất vẫn có quyền tin tưởng vào những chính sách của chính quyền và hy vọng vào một thị trường ổn định, một mức giá có thể tạo lợi nhuận trong những tháng cuối năm.
Nguồn: Sưu tầm - Tổng hợp
Các bài viết khác
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN HAI THÁNG ĐẦU NĂM 2018 (24.03.2018)
- CAO SU ẤN ĐỘ: KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC (09.02.2018)
- NGÀNH CAO SU THIÊN NHIÊN TRONG NĂM MỚI 2018 (24.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU CUỐI NĂM 2017 (02.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THÁNG 11/2017 (11.12.2017)