KỸ THUẬT CHĂM SÓC VÀ KHAI THÁC CAO SU TIỂU ĐIỀN - P.2
3. Vấn đề sử dụng thuốc kích thích
Thuốc kích thích là loại hóa chất kích thích mủ được sử dụng có hoạt chất Ethephon và hợp chất kích thích bằng khí Ethylene (Rrimf low), các sản phẩm khác có tên trong danh mục thuốc BVTV do Bộ NN & PTNT ban hành.
Nồng độ hoạt chất sử dụng là 2,5% cho cây từ 1 – 18 năm tuổi khai thác và 5% là nhóm cây 18 năm tuổi khai thác đến khi tận thu thanh lý vườn cây.
Liều lượng sử dụng chất kích thích: Cây cạo có tuổi từ 1 – 5 bôi 0,5 – 1 g/cây/lần, cây cạo có tuổi từ 6 – 10 bôi 0,75 – 1,5 g/cây/lần, cây cạo có tuổi từ >10 bôi 1,75 – 2 g/cây/lần.
Khoảng cách giữa các lần bôi thuốc kích thích là 3 tuần.
Thuốc kích thích được coi là yếu tố điều tiết cường độ cao dễ dàng và có hiệu quả nhất, ta có thể tăng giảm nồng độ, số lần bôi phù hợp với dòng vô tính, tuổi cây tình trạng sức khỏe của cây. Tuy nhiên không nên lạm dụng thuốc kích thích, việc áp dụng quá mức thuốc kích thích sẽ dẫn đến suy kiệt hệ thống ống mủ và cuối cùng là khô mủ.
- Chỉ sử dụng thuốc kích thích khi cây sinh trưởng bình thường, kỹ thuật cạo tốt.
- Không bôi thuốc kích thích cho những cây bị cụt ngọn, cây bị bệnh nặng, cây có dấu hiệu khô mặt cạo hoặc cây quá nhỏ.
Thời vụ áp dụng kích thích mủ:
- Bôi chất kích thích vào các tháng 5, 6, 7, 10, 11 và 12.
- Bôi chất kích thích trước nhát cạo kế tiếp 24 – 48 giờ.
- Không bôi khi cây còn ướt hoặc trời sắp mưa.
- Không được bôi khi thời tiết khô hạn, mùa rụng lá qua đông.
Phương pháp bôi chất kích thích mủ:
- Phương pháp bôi trên vỏ tái sinh (Pa: panel application): Khuấy đều chất kích thích trước khi sử dụng, dùng cọ hoặc bàn chải bôi một băng rộng 1cm, mỏng đều trên vỏ tái sinh tiếp giáp với miệng cạo.
- Phương pháp bôi trên miệng cạo không bóc lớp mủ dây (La: Lace application): Khuấy đều chất kích thích trước khi sử dụng, dùng cọ hoặc bàn chải bôi một lớp mỏng đều ngay trên miệng cạo. Phương pháp này áp dụng cho miệng cạo úp.
4. Vấn đề phân bón
Cây cao su cũng như các loại cây trồng khác, cần được bón phân hợp lý và đầy đủ thì mới bảo đảm sự tăng trưởng và năng suất. Ngoài bón phân vô cơ hằng năm nên bón phân hữu cơ nhất là các loại phân vi sinh để cải tạo đất, nâng cao hàm lượng hữu cơ, giúp gia tăng mức độ hấp thu dinh dưỡng cho cây.
Thông thường đối với người trồng cao su tiểu điền, mỗi lần sử dụng thuốc kích thích là bón phân vô cơ, hằng năm lượng phân vô cơ sử dụng rất lớn mà ít quan tâm đến phân hữu cơ. Bón phân vô cơ nhiều chỉ tập trung giải quyết một cách tức thời, không có tính bền vững, hậu quả độ màu mỡ của đất ngày càng suy kiệt nhanh chóng.
5. Vấn đề chăm sóc
Vào cuối mùa khô, cây cao su cũng nghỉ đông có thời kỳ thay lá. Bộ lá cũ rụng xuống trả lại 10% chất mùn và dinh dưỡng cho cây (theo viện nghiên cứu cao su). Tuy nhiên, thông thường bà con nông dân đốt lá chủ động phòng cháy trong mùa khô. Vấn đề này nơi nào cần thiết có thể đốt để đảm bảo không xảy ra cháy (như đường đi), song nên giữ lá rụng trên vườn để tăng độ phì đất. Đốt lá trong mùa khô nhiều lần, nhiều năm liên tục là phá vỡ cấu tượng đất, phần rễ lông hút sẽ bị cháy, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của năm sau.
Nguồn: Tổng hợp
Các bài viết khác
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN HAI THÁNG ĐẦU NĂM 2018 (24.03.2018)
- CAO SU ẤN ĐỘ: KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC (09.02.2018)
- NGÀNH CAO SU THIÊN NHIÊN TRONG NĂM MỚI 2018 (24.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU CUỐI NĂM 2017 (02.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THÁNG 11/2017 (11.12.2017)