NGƯỜI TRỒNG LAO ĐAO DO GIÁ MỦ CAO SU GIẢM MẠNH
Năm 2016, giá cao su lao dốc khiến hàng vạn hộ dân trồng cao su rơi vào hoàn cảnh bi đát. Nhiều nhà vườn nản lòng, có hộ chặt bỏ bớt vườn cao su để chuyển sang canh tác giống cây khác, có hộ bỏ phế không chăm sóc vườn cây.
Đến cuối năm, sự tăng trưởng của giá dầu thô ảnh hưởng mạnh lên thị trường cao su thiên nhiên, người trồng cao su đón tin vui khi giá bật tăng trở lại, thị trường bắt đầu ấm dần lên, kích thích nông dân quay trở lại chăm sóc vườn cây với hy vọng khai thác mùa thu hoạch vụ mùa mới năm 2017.
Có những thời điểm, giá mủ đã đạt đến mức 320 – 340 đồng/độ khiến người trồng cao su rất phấn khởi. Nhưng không may là ngay khi bước vào đợt khai thác mới hồi cuối tháng 5/2017 đến nay, giá cao su lại rớt giá và được các đại lý thu mua chỉ còn 250 – 270 đồng/độ khiến cả nông dân và doanh nghiệp sản xuất đều choáng váng. Tính tương đương, thì giá cao su đã lao dốc không phanh từ mức 50 -60 triệu đồng/tấn xuống còn 30 – 35 triệu đồng/tấn và chưa có dấu hiệu hồi phục khả quan.
So với tháng 6, giá mủ tháng 7/2017 được đánh giá là vẫn còn có xu hướng giảm với xấp xỉ 50 đồng/độ.
Trong khi đó, dựa hơi đợt tăng giá cuối 2016 và những tháng đầu năm 2017, các loại vật tư nông nghiệp, công lao động thu hoạch mủ lại tăng 15 – 20% so với mùa vụ năm 2016.
Cao điểm, giá chén hứng mủ cao su thiên nhiên tăng đến 300 – 400%. Cụ thể, năm trước giá chén chỉ 1.600 – 2.000 đồng/cái, nhưng mùa vụ năm nay tăng lên 4.000 – 5.000 đồng/cái, đặc biệt là giai đoạn cuối tháng 5 đầu tháng 6 khi vụ khai thác mủ bắt đầu đã khiến giá tăng lên đến 6.000 – 7.500 đồng/cái. Giá chén tăng đột biến theo còn có nguyên nhân khác là do thị trường Lào và Campuchia cũng đang bước vào vụ khai thác mủ nên cần lượng chén rất lớn từ Việt Nam khiến mức cung nội địa không đáp ứng hết nhu cầu và đẩy giá lên cao.
Giá thu mua cao su giảm mạnh khiến thu nhập của hộ trồng giảm xuống, số tiền thu vào không đủ đáp ứng các loại chi phí và tạo lợi nhuận cho người trồng, song song đó là tình trạng đất vườn cao su giảm giá mạnh. Những điều này làm cho nhiều người trồng cao su nản chí dẫn đến tình trạng khai thác cầm chừng, giảm thời gian cạo từ d2 xuống d3 hoặc d4, doanh nghiệp kinh doanh cũng gặp khó khiến tình trạng sản xuất kinh doanh bị chững lại, nhiều nơi còn giảm diện tích trồng cao su để chuyển sang một số giống khác như hồ tiêu, cây điều…
Tuy nhiên, đối với diện tích cao su đã thu hoạch nhiều năm, theo tính toán vẫn có lãi khoảng 2 – 3 triệu đồng/ha/tháng. Theo đó, 1ha cao su trồng giống tốt, chăm sóc, khai thác theo đúng quy trình kỹ thuật, mỗi lần cạo thu được 60kg mủ nước, giá bán hiện nay 270 đồng/độ, tức khoảng 8.000 đồng/kg, trừ tiền công cạo 200 ngàn đồng, nông dân vẫn còn thu lãi 280 ngàn đồng, tính chi phí đầu tư phân bón, thuốc BVTV khoảng 30% thì lãi ròng là khoảng 200 ngàn đồng, tức 1ha lãi khoảng 2 – 3 triệu đồng/tháng.
Dù đang trong tình trạng khó khăn, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) vẫn đánh giá thị trường cao su năm 2017 sẽ có mức giá tốt và ổn định hơn so với năm 2016. Giá thu mua cao su tiểu điền mới nhất tại Công ty cao su Lộc Ninh đã tăng lên mức 275 – 280 đồng/độ mủ, đây là một tín hiệu đáng mừng để người trồng cao su có thể tin tưởng và tổ chức khai thác một cách hợp lý để tạo được mức lợi nhuận tốt trong thời điểm hiện tại.
Nguồn: Sưu tầm - Tổng hợp
Các bài viết khác
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN HAI THÁNG ĐẦU NĂM 2018 (24.03.2018)
- CAO SU ẤN ĐỘ: KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC (09.02.2018)
- NGÀNH CAO SU THIÊN NHIÊN TRONG NĂM MỚI 2018 (24.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU CUỐI NĂM 2017 (02.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THÁNG 11/2017 (11.12.2017)