NHÌN LẠI NGÀNH CAO SU VIỆT NAM
Giá mủ cao su lao dốc nhiều năm, từ mức đỉnh 4.000 – 5.000 USD/tấn của năm 2011, hiện về dưới 1.500 USD/tấn. Đáng ngại là chưa thấy dấu hiệu nào cho ngày trở lại thời kỳ hoàng kim của cao su. Bây giờ, trồng và khai thác cao su là cầm chắc thua lỗ do chi phí bỏ ra cho mỗi tấn cao su ước tốn 2.000 – 2.200 USD. Vì thế, lựa chọn của không ít nông dân là phá bỏ vườn cao su, chuyển sang cây trồng khác. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ riêng năm 2015 đã có 6.000 ha cao su bị chặt bỏ. Bình Phước, Tây Ninh – những thủ phủ về cao su – cũng đi đầu trong phá bỏ cây trồng này.
Mặc dù vậy, nếu so với quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt (800.000 ha), diện tích cao su thực tế ở Việt Nam vẫn đang vượt xa, với gần 1 triệu ha. Với quy mô này, theo Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG) và Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU - Economist Intelligence Unit), Việt Nam trở thành quốc gia thứ ba thế giới về sản lượng cao su và đang thừa cung. Năm 2015, dư thừa cao su khai thác của Việt Nam là 147.000 tấn. Năm 2016, tuy Việt Nam có thể khống chế sản lượng nhằm tránh bị dư thừa nguồn cao su khai thác nhưng cả nước lại còn tồn kho hơn 3 triệu tấn, chiếm hơn 25% tổng sản lượng cao su khai thác hằng năm.
Giải bài toán tồn kho cho cao su là vấn đề nan giải. Bởi Việt Nam không thể cắt mạnh sản lượng cao su đang khai thác để dồn lực tiêu thụ hàng tồn kho. Dừng chăm sóc, khai thác cây cao su đồng nghĩa với việc cây cao su sẽ chết. Thường chỉ bất đắc dĩ và không đủ khả năng cầm cự, người trồng mới chọn giải pháp phá bỏ vườn cao su. Các doanh nghiệp thì không thể làm vậy, công ty có những mối quan hệ làm ăn với khách hàng buộc họ phải duy trì sản lượng, họ cũng cần phải tiếp tục triển khai những kế hoạch trồng mới cao su cho mục đích đầu tư lâu dài và cũng để hưởng những quyền lợi trong giao đất, cấp phép trồng cao su.
Thực tế, các công ty, đặc biệt là những công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) như Cao su Đồng Phú (DPR), Cao su Phước Hòa (PHR), Cao su Tây Ninh (TRC)… có nhiều lợi thế về nhận hỗ trợ đất đai vùng trồng cao su. Điều này lý giải vì sao, DPR không ngần ngại gia tăng rót vốn và dành gần 800 tỉ đồng, tính đến cuối tháng 6.2016, cho việc đầu tư 6.300 ha cao su ở Campuchia. Tương tự, PHR và TRC cũng đang trồng cao su tại Campuchia. Ngoài ra, các doanh nghiệp tiếp tục phát triển diện tích cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản (chưa cho khai thác) nhưng ở mức độ chậm lại.
Xét về chi phí xây dựng dở dang, tính ra chi phí đầu tư cho 1 ha cao su của DPR chỉ bằng khoảng 60 – 70% mức trung bình ngành. Yếu tố này, cộng với những giải pháp kiểm soát chi phí đã giúp DPR đạt giá thành thấp hơn giá bán. Tuy nhiên, DPR nói riêng và các công ty cao su nói chung thường phải tốn kém thêm những chi phí khác như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý… Điều này khiến việc kiếm lời từ mảng cao su trở nên khó khăn. Theo báo cáo tài chính soát xét năm 2016 của DPR, đóng góp chính vào lợi nhuận cho Công ty không phải từ cao su mà từ thanh lý cây cao su và các hoạt động tài chính.
DPR hiện là doanh nghiệp có diện tích cao su lớn, đến hơn 10.000 ha. Trong đó, 40% diện tích đạt lứa tuổi 16 – 25 năm, tức đã qua thời kỳ cho sản lượng tốt nhất. Vì thế, DPR có thể bán dần phần diện tích cao su này. Trong năm 2016, DPR thanh lý khoảng 460 ha và ghi nhận doanh thu thanh lý vườn cao su xấp xỉ năm 2015, tức khoảng 65 – 70 tỉ đồng. Riêng ở PHR, diện tích cao su thanh lý trong năm 2016 lên tới 1.000 tỉ đồng và mang về khoảng 150 tỉ đồng doanh thu. Với TRC, con số này khoảng 50 tỉ đồng.
Rõ ràng, các doanh nghiệp cao su đã và sẽ còn dựa vào nguồn thanh lý cao su để cải thiện doanh thu, lợi nhuận. Đây không phải điều đáng lo ngại, bởi việc đa phần diện tích cao su đã qua thời kỳ khai thác tốt nhất phản ánh một thực tế¨DPR, PHR, TRC từng hưởng lợi lớn trong giai đoạn cao su tăng trưởng nóng.
Tuy nhiên, nhìn dài hạn, tương lai ngành cao su tự nhiên phụ thuộc vào biến động giá cả và nguồn tiêu thụ cao su thiên nhiên thế giới. Xét về nguồn cung, tuy Thái Lan, Indonesia, Malaysia – ba nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới – đã thống nhất giảm sản lượng và xuất khẩu cao su nhưng đến thời điểm hiện tại lại chưa làm được. Rõ ràng, nguồn cung cao su vẫn dư thừa, gây áp lực lên giá bán.
Ở phía tiêu thụ, thị trường cao su vừa đón nhận “hung tin” từ các quốc gia tiêu thụ cao su chủ chốt của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… Số liệu mới đây cho thấy Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới,vẫn chưa thể ổn định và đối mặt với nguy cơ suy giảm, trong khi đây là thị trường tiêu thụ gần 50% lượng cao su xuất khẩu ở Việt Nam. Trung Quốc đang nỗ lực giảm 40% sản lượng lốp xe (mặt hàng tiêu thụ chính về cao su). Nước này còn yêu cầu các đơn vị sản xuất lốp xe phải khắt khe hơn về tiêu chuẩn khí thải, tiêu thụ nhiên liệu và tác động đến môi trường. Phía Ấn Độ cũng tìm cách áp thuế phòng vệ để bảo vệ thị trường cao su trong nước. Tất cả những điều này càng làm gia tăng nỗi lo về tương lai tiêu thụ cao su.
Trong bối cảnh đó, EIU dự báo, giá cao su thế giới trong ba năm tới có thể sẽ tăng nhẹ nhưng chưa thể vượt qua mốc 1.700 USD. Nghĩa là các doanh nghiệp cao su sẽ vẫn phải khai thác cầm chừng, tìm cách giảm chi phí để tránh thua lỗ, chờ cơ hội vực dậy trở lại. Một số doanh nghiệp như DPR đã tìm cách tạo thêm nguồn thu, như rót vốn đầu tư vào công ty sản xuất nệm, kết hợp đầu tư khu công nghiệp, chế biến gỗ… Nhưng tỉ trọng đóng góp của những mảng này còn rất khiêm tốn, chỉ vài tỉ đồng.
Như vậy, ngành cao su Việt Nam, dù là doanh nghiệp sản xuất hay hộ trồng cao su, sẽ phải chuẩn bị một kế hoạch dài hơi hơn để ứng phó với tình trạng được đánh giá là không mấy khả quan của thị trường trong vài năm tới.
Nguồn: Sưu tầm
Các bài viết khác
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN HAI THÁNG ĐẦU NĂM 2018 (24.03.2018)
- CAO SU ẤN ĐỘ: KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC (09.02.2018)
- NGÀNH CAO SU THIÊN NHIÊN TRONG NĂM MỚI 2018 (24.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU CUỐI NĂM 2017 (02.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THÁNG 11/2017 (11.12.2017)