THỊ TRƯỜNG CAO SU 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2017
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2017 tốc độ tăng trưởng GDP cả nước ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, khu vực dịch vụ tăng 6,85%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,08%, ngành lâm nghiệp tăng 4,31%, ngành nông nghiệp tăng 2,01% so với cùng kỳ năm 2016.
Riêng đối với ngành cao su, theo báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tháng 6/2017 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố cho hay sản lượng cao su ước đạt 334,5 nghìn tấn, tăng 4,4% trong khi diện tích giảm 1%.
I. THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Theo hệ thống cung cấp giá ở địa phương, giá mủ cao su ở trong nước duy trì ở thế vững trong tháng 6/2017. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su tiếp tục giữ ở mức 13.000 đồng/kg.
Tính trung bình trong 6 tháng đầu năm, giá cao su nguyên liệu trong nước tăng khá mạnh, với mủ cao su dạng nước tại Đồng Nai tăng 2.700 đồng/kg, từ 10.300 đồng/kg đến 13.000 đồng/kg.
Nhưng trong thời gian gần đây, giá cao su đã quay đầu giảm khi bước vào vụ thu hoạch và chưa có dấu hiệu sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, lộ trình giá cao su hằng năm là thường giảm khi bước vào vụ thu hoạch và tăng vào dịp cuối năm nên có nhiều khả năng thị trường sẽ dần khởi sắc trong nửa năm còn lại, đẩy giá thu mua lên cao và cải thiện mức thu nhập cho người trồng cao su.
TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU
- XUẤT KHẨU: Tổng kết sáu tháng đầu năm 2017, khối lượng cao su xuất khẩu ước đạt 462 ngàn tấn và 867 triệu USD, tăng 5% về khối lượng và 58,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cao su xuất khẩu bình quân sáu tháng đầu năm đạt 1.957 USD/tấn, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Các thị trường tiêu thụ nhiều nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia; trong đó Trung Quốc là khách hàng lớn nhất khi tiêu thụ 61% tổng lượng cao su xuất khẩu.
Chịu ảnh hưởng khi Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm dài hạn của thị trường Trung Quốc xuống hạng A1, dự báo sang đầu quý 3/2017, nhu cầu về tiêu thụ cao su thiên nhiên để sản xuất săm lốp ô tô trên thị trường Trung Quốc có chiều hướng giảm do xuất khẩu sản phẩm này gặp trở ngại nhất là vào thị trường Mỹ. Các đơn vị chuyên doanh xuất khẩu cao su của Việt Nam cần chủ động điều tiết sản lượng xuất khẩu và sản xuất theo xu thế tăng chất lượng cao, thu hẹp loại chất lượng thấp.
- NHẬP KHẨU: Ước lượng khối lượng nhập khẩu trong tháng 6/2017 đạt 42 ngàn tấn với giá trị đạt 42 ngàn tấn với giá trị đạt 90 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu sáu tháng đầu năm 2017 lên 244 ngàn tấn và 543 triệu USD, tăng 25,2 về khối lượng và tăng 78,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong sáu tháng đầu năm là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Campuchia, chiếm 56% thị phần. Trong sáu tháng đầu năm, giá trị cao su ở tất cả các thị trường nhập khẩu đều tăng, trong đó thị trường có giá trị tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là Indonesia và Nga (đều tăng 2,8 lần).
II. THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Chịu ảnh hưởng của giá dầu sụt giảm và căng thẳng Qatar, thị trường cao su có xu hướng giảm với biên độ mạnh trong sáu tháng đầu năm 2017 khiến nhiều quốc gia lâm vào tình trạng khủng hoảng.
Một số nước có sản lượng cao su lớn như Thái Lan, Indonesia… đã có nhiều chính sách thúc đẩy nhằm hỗ trợ người trồng cao su và tăng tiêu dùng nội địa, giảm sản lượng xuất khẩu để cải thiện mức giá trên thị trường.
Tại Malaysia, nước có sản lượng găng tay cao su lớn nhất thế giới, chiếm đến 60% thị phần trên thị trường toàn cầu và có tốc độ tăng trung bình 6%/năm. Tiêu dùng nội địa tăng, nhưng lượng tồn kho tại các kho dự trữ Malaysia cũng đã tăng 4,1% so với thời gian trước, điều này có thể gây tác động khiến mức giá cao su giảm xuống.
Trên thị trường Giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su biến động trái chiều trong sáu tháng đầu năm, đặc biệt là thời điểm tháng 6/2017. Giá giảm mạnh trong tuần đầu tháng 6 do giá dầu suy yếu mạnh, đồng yên tăng giá và thị trường đối mặt với vấn đề lo ngại dư cung trên toàn cầu. Ngày 7/6, hợp đồng benchmark tháng 11/2017 thiết lập mức giá thấp kỷ lục trong vòng 7 tháng ở 185,5 yên/kg.
Dù có tăng nhờ ảnh hưởng của thị trường chứng khoán phố Wall đạt mức cao kỷ lục, nhưng giá cao su không duy trì được đà tăng và đã quay đầu giảm giá mạnh vào thời điểm cuối tháng 6, dừng ở mức giá khá thấp là 186,3 yên/kg.
Không dừng ở mức khả quan khi kết thúc chu kỳ kinh doanh nửa đầu năm 2017, thị trường cao su vẫn được đánh giá là sẽ có mức tăng trường tốt trong sáu tháng còn lại nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ của các nước sản xuất và kinh tế thị trường tăng trưởng theo chiều hướng khả quan hơn.
Nguồn: Sưu tầm - Tổng hợp
Các bài viết khác
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN HAI THÁNG ĐẦU NĂM 2018 (24.03.2018)
- CAO SU ẤN ĐỘ: KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC (09.02.2018)
- NGÀNH CAO SU THIÊN NHIÊN TRONG NĂM MỚI 2018 (24.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU CUỐI NĂM 2017 (02.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THÁNG 11/2017 (11.12.2017)