THỊ TRƯỜNG CAO SU THÁNG 11/2017
I. THẾ GIỚI
1. Thị trường cao su Trung Quốc
Theo đánh giá sơ bộ từ cơ quan quản lý, khối lượng nhập khẩu cao su (bao gồm cả cao su tự nhiên và cao su nhân tạo) của Trung Quốc trong tháng 11/2017 tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số hơn 30 nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu cao su cho Trung Quốc, thì Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia có tổng lượng nhập khẩu lớn nhất, chiếm hơn 95%. Ngành công nghiệp cao su tự nhiên của Trung Quốc phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Như vậy, lượng nhập khẩu tăng cho thấy nhu cầu đối với mặt hàng này gần đây cũng gia tăng.
Mặt khác, số liệu chính thức và mới nhất của hải quan Trung Quốc cho thấy, khối lượng nhập khẩu trong tháng 9/2017 đạt 660 tỷ tấn, tăng 34,69% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng 17,9% so với tháng 8/2017. Tính gộp đến hết tháng 9/2017, tổng khối lượng nhập khẩu trong năm 2017 là 5.111 tỷ tấn, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó ước tính, lượng cao su tự nhiên đã nhập trong tháng 9/2017 là 500 – 550 tỷ tấn, gần như đã chạm đỉnh cao nhất của năm vào hồi tháng 3/2017, tăng 35-36% so với cùng kỳ năm 2016.
Các nhà chuyên môn nhận định lượng nhập khẩu cao su của thị trường Trung Quốc tăng không nằm ngoài 3 lý do:
- Đầu tiên, trên thị trường giao dịch kỳ hạn, chênh lệch giá giữa các hợp đồng giao kỳ hạn ngắn với các hợp đồng giao kỳ hạn dài đang rất rộng, điều này thúc đẩy các nhà đầu tư nhập khẩu tăng lên.
- Thứ hai, nhu cầu cao su cho hoạt động sản xuất lốp của các nhà máy Trung Quốc so với tháng trước đó cũng đã tăng 1,09%, tỷ lệ vận hành của các nhà máy bình quân đạt công suất 65,13%.
- Cuối cùng là tỷ giá đồng nhân dân tệ so với USD cũng tăng mạnh từ cuối tháng 8 kéo sang tháng 9, khiến cho hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn.
Các nhà nghiên cứu thị trường đánh giá, vì những điều kiện thuận lợi trên mà lượng tồn kho dự trữ cao su lớn. Điều này sẽ dẫn đến giá chung trên thị trường giảm xuống do áp lực từ trữ lượng dư tại các kho ngoại quan. Ảnh hưởng của vấn đề này được biểu hiện khá rõ, nhất là trên thị trường TOCOM, Nhật Bản.
2. Thị trường cao su Tocom, Nhật Bản
Giá cao su kỳ hạn tại Sở Giao dịch Tokyo (TOCOM) diễn biến tăng giảm trái chiều trong tháng 11/2017, với xu hướng giảm mạnh chiếu ưu thế. Giá cao su giảm là do chịu tác động giảm giá của thị trường cao su Thượng Hải và giá dầu thế giới suy giảm. Trong đó, hợp đồng benchmark chạm mức thấp trong 5 tháng cuối phiên giao dịch 20/11 do thị trường cao su Thượng Hải giảm giá trong bối cảnh lo ngại nền kinh tế chậm chạp tại Trung Quốc – nước nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới. Cuối phiên 20/11, hợp đồng benchmark tháng 4/2018 đạt 189,5 yên/kg, giảm mạnh 8,9 yên/kg so với phiên đầu tháng (01/11).
Các phiên sau đó, thị trường cao su Tocom hồi phục trở lại do các nhà đầu tư bán ra chốt lời, song vẫn chỉ loanh quanh mức thấp 5 tháng. Hợp đồng benchmark tháng 4/2018 đóng cửa ở mức 198,1 yên/kg cuối phiên 29/11.
Trong bối cảnh thị trường cao su Trung Quốc đang dư cung lớn, tồn kho cao su tại Trung Quốc đã chạm mức cao kỷ lục, giá cao su thế giới nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức thấp cho đến hết năm nay.
II. VIỆT NAM
1. Tình hình trong nước
Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá thu mủ cao su dạng nước tại Đồng Nai đã tăng trở lại sau nhiều tháng không biến động, từ mức 12.500 đ/kg lên 13.200 đ/kg, và bất ngờ giảm mạnh xuống chỉ còn 10.800 đ/kg vào cuối tháng (29/11).
Trong khi đó, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước tháng 11/2017 diễn biến giảm, từ mức 275 đồng/độ vào đầu tháng xuống còn 265 đồng/độ (29/11), với mức thấp nhất trong tháng là 250 đồng/độ (27/11).
2. Thị trường xuất - nhập khẩu cao su tháng 11/2017
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tháng 11/2017, khối lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 143 nghìn tấn với giá trị đạt 210 triệu USD. Với ước tính này, khối lượng xuất khẩu cao su 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,21 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, tăng 8,2% về khối lượng và tăng 38,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Giá cao su xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2017 đạt 1.680,4 USD/tấn, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt 63,1%, 5,7% và 4,0%. Giá trị xuất khẩu cao su sang 3 thị trường này lần lượt là: 1,14 tỷ USD, tăng 55,6%; 102,1 triệu USD, tăng 5,1% và 71,2 triệu USD, giảm -31% so với cùng kỳ năm 2016.
Ở chiều ngược lại, khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 11/2017 ước đạt 58 nghìn tấn với giá trị đạt 103 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu cao su 11 tháng đầu năm 2017 lên 501 nghìn tấn và 998 triệu USD, tăng 29,4% về khối lượng và tăng 65,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 11 tháng đầu năm 2017 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Thái Lan chiếm 54,5% thị phần.
Trong 11 tháng đầu năm 2017, giá trị cao su ở tất cả các thị trường nhập khẩu đều tăng. Trong đó, thị trường có giá trị tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là Indonesia (gấp 3,1 lần), Nga (gấp 2,05 lần) và Thái Lan (tăng 93,2%). Đặc biệt, trong 11 tháng đầu năm 2017 mặc dù khối lượng nhập khẩu cao su từ thị trường Malaysia giảm 7,1% nhưng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này lại tăng 55,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Nguồn: Tổng hợp
Các bài viết khác
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN HAI THÁNG ĐẦU NĂM 2018 (24.03.2018)
- CAO SU ẤN ĐỘ: KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC (09.02.2018)
- NGÀNH CAO SU THIÊN NHIÊN TRONG NĂM MỚI 2018 (24.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU CUỐI NĂM 2017 (02.01.2018)
- GAY CẤN NHỮNG THƯƠNG VỤ ĐẤU GIÁ GỖ CAO SU (23.11.2017)