THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN HAI THÁNG ĐẦU NĂM 2018
THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Giá cao su kỳ hạn tại Sở Giao dịch Tokyo (TOCOM) tháng 02/2018 biến động giảm mạnh do chịu áp lực của đồng yên tăng lên mức cao nhất 15 tháng so với đồng đô la Mỹ. Kết thúc phiên giao dịch 16/02, giá cao su hợp đồng benchmark kỳ hạn tháng 7/2018 chạm mức thấp nhất trong 8 tháng, chỉ đạt 181,5 yên/kg – mức thấp nhất kể từ ngày 21/06/2017
Sau đó, thị trường cao su Tocom hồi phục nhẹ trở lại và tăng trong 3 phiên liên tiếp khi đồng yên suy yếu trở lại. Cuối phiên giao dịch ngày 21/02, hợp đồng benchmark kỳ hạn tháng 7/2018 đóng cửa ở mức 186 yên/kg, tăng 4,5 yên so với mức thấp ngày 16/02.
THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Tháng 2, giá cao su nguyên liệu trong nước diễn biến tăng cùng với xu thế của thị trường cao su thế giới.
Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá mủ cao su nguyên liệu tại Đồng Nai tăng từ 10.725 đồng/kg lên 13.200 đồng/kg. Giá thu mua mủ cao su tại Bình Phước giữ ở mức 265 đồng/độ.
Dự báo trước tình trạng giá cao su còn biến động, ngành chức năng khuyến cáo người dân tiếp tục chăm sóc, đồng thời phát triển cây cao su theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị chứ không mở rộng diện tích.
TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu cao su tháng 01/2018 ước đạt 181 nghìn tấn với giá trị đạt 204 triệu USD, tăng 94,5% về khối lượng và tăng 14% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng 01/2018, chiếm thị phần lần lượt là 54,8%, 8,4% và 8,1% thị phần.
Đến thời điểm tháng 02/2018, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su đạt 102 nghìn tấn với giá trị đạt 149 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 2 tháng đầu năm 2018 ước đạt 238 nghìn tấn và 348 triệu USD, tăng 29,5% về khối lượng nhưng giảm 6,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Ở chiều ngược lại, khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 02/2018 ước đạt 39 nghìn tấn với giá trị đạt 82 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 99 nghìn tấn với giá trị 186 triệu USD, tăng 24,5% về khối lượng và tăng 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu là Hàn Quốc, Campuchia, Thái Lan và Nhật Bản, chiếm 54,2% thị phần. Trong hai tháng đầu năm 2018, giá trị cao su ở hầu hết các thị trường nhập khẩu đều tăng ngoại trừ thị trường Nga và Indonesia với mức giảm lần lượt là 50,2% và 13,3%. Trong đó, thị trường có giá trị tăng trường mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2017 là Malaysia (gấp 3,3 lần), Thái Lan (+86,9%) và Trung Quốc (+78,7%).
Trong khi đó thời điểm đầu năm, nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu được dự báo tăng 2,8% lên 13,327 triệu tấn trong năm 2018 từ mức 12,964 triệu tấn hồi năm ngoái 2017. Các quốc gia thành viên ANRPC sẽ tiếp tục khuyến khích sử dụng cao su thiên nhiên nhằm đảm bảo cân đối cung – cầu cũng như sự ổn định của ngành cao su thiên nhiên trong dài hạn.
Việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như kỳ vọng thị trường hàng hóa sẽ khởi sắc trong năm nay có thể giúp giá cao su thiên nhiên phục hồi trong thời gian tới.
Sản lượng cao su thiên nhiên trong tháng 1 của Trung Quốc sụt giảm do thời tiết mùa đông khắc nghiệt. Các quốc gia trồng cao su khác cũng có nguy cơ đối mặt với các khó khăn về thời tiết tương tự. Nguồn cung cao su thiên nhiên có thể giảm và điều này có thể giúp cán cân cung – cầu cân bằng hơn trong tương lai gần. Do đó, thị trường cao su thiên nhiên có hy vọng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn trong những tháng tiếp theo của năm 2018.
Nguồn: Sưu tầm
Các bài viết khác
- CAO SU ẤN ĐỘ: KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC (09.02.2018)
- NGÀNH CAO SU THIÊN NHIÊN TRONG NĂM MỚI 2018 (24.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU CUỐI NĂM 2017 (02.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THÁNG 11/2017 (11.12.2017)
- GAY CẤN NHỮNG THƯƠNG VỤ ĐẤU GIÁ GỖ CAO SU (23.11.2017)