THÔNG TIN MỚI NHẤT THỊ TRƯỜNG CAO SU
Giá cao su
Giá cao su kỳ hạn ngày 25/10 tăng sau khi sụt giảm mạnh trong tuần trước.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo, giá cao su giao kỳ hạn tháng 3 tăng 0,6 yên, lên mức 198,9 yên/kg (tương đương 1,75 USD/kg). Hợp đồng cao su giao tháng 10 hết hiệu lực vào cuối ngày.
Giá cao su giao kỳ hạn tháng 4 tại Sở Giao dịch Hàng hóa Tokyo mở cửa ngày 26/10 ở mức 199,8 yên/kg. Con số này tăng so với giá cao su giao kỳ hạn tháng 3, hợp đồng Benchmark ở mức 199,5 yên/kg ngày thứ tư (25/10)
Giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải kết thúc qua đêm giao dịch giảm 0,1%.
Yếu tố ảnh hưởng
Giá dầu Brent tăng 1% ngày thứ ba (24/10), sau khi nước xuất khẩu hàng đầu – Saudi Arabica – xác định dư cung.
Trữ lượng dầu thô Mỹ giảm hơn 5,7 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn so với dự báo là giảm 4,2 triệu thùng. Trái lại, trữ lượng xăng tăng gần 908.000 thùng, vượt dự báo tăng 257.000 thùng.
Một yếu tố khác cũng hỗ trợ giá dầu là dấu hiệu Mỹ thắt chặt sản lượng dầu đá phiến mặc dù giá dầu đang tăng cao. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô Mỹ giảm 1,1 triệu thùng/ngày xuống còn 7,9 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, nhà đầu tư tiếp tục theo dõi khả năng nguồn cung bị gián đoạn trước những bất ổn chính trị giữa Iraq và khu tự trị Kurd.
Lượng dầu xuất khẩu từ khu vực Kurd sang cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ 6 chỉ đạt 216.000 thùng/ngày so với mức bình thường là 600.000 thùng/ngày. Nguyên nhân được cho là do bất ổn địa chính trị khu vực Iraq, cụ thể là xung đột giữa quân đội Iraq và người Kurd. Quân đội Iraq đã tiến quân về phía bắc hồi đầu tuần này và giành lại quyền kiểm soát tại 2 mỏ dầu lớn từ tay quân đội Kurd.
Những yếu tố trên khiến cho giá dầu mỏ trong ngắn hạn tăng lên kéo theo giá cao su thiên nhiên trên hai Sàn giao dịch lớn là Tokyo và Thượng Hải tăng và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ổn định trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, chỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản tăng 0,4%. Có vẻ như việc giá trị đồng yên giảm trong những ngày trước đó không ảnh hưởng quá lớn đến tổng quan của cả nền kinh tế Nhật Bản.
Các nhà đầu tư lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mặc dù rủi ro suy thoái vẫn duy trì, đặc biệt là nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc.
Cao su Việt Nam
Ngành cao su Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triển theo hướng bền vững, ổn định về diện tích, gia tăng năng suất và sản lượng cao su thiên nhiên.
Trong cuộc họp mới nhất của ANRPC tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 23/10 vừa qua, Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, để ứng phó, chống chịu với thời kỳ giá thấp có thể kéo dài trong vài năm tới, ngành cao su Việt Nam đã tìm những giải pháp tăng năng suất và hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng cao su thiên nhiên và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su cũng như gỗ cao su.
Đồng thời, thúc đẩy sử dụng gỗ cao su là nguyên liệu thân thiện môi trường, giảm rủi ro về thị trường và biến đổi khí hậu với những mô hình trồng xen hoặc trồng kết hợp để đa dạng nguồn thu nhập, giảm hóa chất…
Để hỗ trợ ngành cao su tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã quy hoạch đẩy mạnh việc tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước từ 18% như hiện nay lên hơn 30% và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su.
Đồng thời, quy hoạch diện tích cao su ổn định, cân đối với nhu cầu của thị trường và kế hoạch tái canh phù hợp để phát triển ngành gỗ cao su bền vững.
Nguồn: Sưu tầm
Các bài viết khác
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN HAI THÁNG ĐẦU NĂM 2018 (24.03.2018)
- CAO SU ẤN ĐỘ: KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC (09.02.2018)
- NGÀNH CAO SU THIÊN NHIÊN TRONG NĂM MỚI 2018 (24.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU CUỐI NĂM 2017 (02.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THÁNG 11/2017 (11.12.2017)