XUẤT KHẨU CAO SU VIỆT NAM ĐẦU NĂM 2017
Việt Nam là một trong những nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, sau Thái Lan và Indonesia. Dù thị trường cao su đang đứng trước nhiều khó khăn, nhưng tình hình xuất khẩu cao su của Việt Nam giai đoạn đầu năm 2017 vẫn được đánh giá là khả quan và có tăng trưởng về mặt giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, khối lượng xuất khẩu cao su 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 353 nghìn tấn và 708 triệu USD, giảm 1,5% về khối lượng nhưng tăng 61,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Riêng tháng 5/2017, khối lượng xuất khẩu cao su ước đạt 51 nghìn tấn với giá trị 100 triệu USD.
Giá cao su xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2017 đạt 2.016 USD/tấn, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt 63,1%, 4,9% và 3,7%. Giá trị xuất khẩu cao su sang 3 thị trường này lần lượt là 383,7 triệu USD (+89,9%), 29,6 triệu USD (gấp gần 2,5 lần) và 22,6 triệu USD (-22,3%) so với cùng kỳ năm 2016.
Lý giải vấn đề này, nhà chức trách cho rằng việc giá cao su tăng là do được hỗ trợ bởi giá cao su trên thị trường thế giới tăng đồng thời trữ lượng cao su tại kho ngoại quan trên sàn TOCOM giảm. Cùng lúc đó, lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm xuống cũng góp phần đẩy giá cao su lên cao.
Bên cạnh đó, lượng cao su tiêu thụ chậm hơn nhưng giá cao su khá cao so với mặt bằng thị trường do giá bán của nhiều đơn vị - điển hình như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) - hầu hết thực hiện theo hợp đồng dài hạn đã ký trước đó.
CẦN CƠ CHẾ ƯU ĐÃI CHO SẢN PHẨM CAO SU XUẤT KHẨU
Tuy cao su xuất khẩu đang được giá, nhưng doanh nghiệp vẫn còn lo ngại sẽ khó tăng trưởng nếu chính sách không được nới lỏng. Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã có văn bản đề nghị Chính phủ áp dụng chính sách không kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với mặt hàng cao su thiên nhiên nhằm đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
Cao su thiên nhiên cũng là mặt hàng nông sản sơ chế nhưng hiện không được áp dụng chính sách ưu đãi từ Chính phủ. Trong khi đó, từ năm 2014, Chính phủ bắt đầu áp dụng chính sách không kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với nông thủy sản sơ chế xuất khẩu.
Hiện tại, các doanh nghiệp cao su phải nộp thuế GTGT, dù sẽ được hoàn trả lại sau khi xuất khẩu nhưng phải chờ từ 3 – 9 tháng, gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp trong việc trả lãi suất vay ngân hàng cho số vốn tạm nộp thuế GTGT. Mặt khác, doanh nghiệp xuất khẩu cao su với số lượng càng lớn thì phải chịu mức thuế GTGT càng cao, kết quả cho thấy một số đơn vị buộc phải hạn chế xuất khẩu mặt hàng này hoặc chuyển sang xuất khẩu mặt hàng nông sản khác.
Bên cạnh đó, VRA còn đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho áp dụng chính sách miễn thuế doanh nghiệp đối với thu nhập thanh lý vườn cây cao su như những nông sản khác.
Riêng về chất lượng nguyên liệu mủ, Hiệp hội cho rằng Chính phủ cần phải tạo điều kiện và tích cực phối hợp để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia đối với nguyên liệu mủ cao su đầu vào. Như vậy, chất lượng sản phẩm sẽ được đảm bảo và giá trị cao su Việt Nam sẽ được nâng tầm hơn trong thời gian tới.
Nếu giải quyết được những tồn đọng và có một cơ chế ưu đãi tốt, tin chắc rằng giá trị cao su Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới sẽ có được những bước tăng trưởng đáng kể trong tương lai không xa.
Nguồn: Sưu tầm - Tổng hợp
Các bài viết khác
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THIÊN NHIÊN HAI THÁNG ĐẦU NĂM 2018 (24.03.2018)
- CAO SU ẤN ĐỘ: KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC (09.02.2018)
- NGÀNH CAO SU THIÊN NHIÊN TRONG NĂM MỚI 2018 (24.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU CUỐI NĂM 2017 (02.01.2018)
- THỊ TRƯỜNG CAO SU THÁNG 11/2017 (11.12.2017)